Sau một thời gian hoạt động, những điện thoại Android có thể trở nên chậm chạp và khó sử dụng. Những bí quyết sau giúp tăng tốc cho chiếc điện thoại Android của bạn chỉ trong nháy mắt.
Giống như máy tính chạy Windows, các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android cũng cần phải được thường xuyên "dọn dẹp" và “bảo trì” một cách thích hợp để luôn vận hành trơn tru với hiệu suất cao nhất.
Xóa bộ nhớ Cache
Việc xóa bộ nhớ cache từ các ứng dụng và trình duyệt sẽ giúp bạn loại bỏ các tập tin đã được cài đặt sẵn nhưng không còn sử dụng nữa. Để xóa bỏ bộ nhớ cache của một ứng dụng, mở menu Settings trên điện thoại và click vào Applications. Sau đó chọn Manage Applications và gõ vào ứng dụng mà đang gặp vấn đề.
Gỡ bỏ những ứng dụng không cần thiết
Bất kỳ người dùng Android nào cũng luôn tìm kiếm những ứng dụng mới để trải nghiệm và mở rộng thêm tính năng cho chiếc điện thoại của mình. Nhưng thường thì chỉ sau một khoảng thời gian không lâu, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán và nhận ra một số ứng dụng không thực sự hấp dẫn như quảng cáo. Điều này thường thấy nhất với những trò chơi trên điện thoại.
Đó cũng là lúc mà bạn dần lãng quên và hầu như không còn sử dụng đến những tiện ích hay các chò trơi đó nữa. Vậy thì chẳng có lý do gì mà không xóa ngay chúng khỏi bộ nhớ của máy, để lấy lại phần dung lượng còn trống và sử dụng vào các mục đích khác. Dù vậy, nếu vì một lý do nào đó, bạn vẫn muốn giữ lại các chương trình này để có thể cài đặt lại về sau thì có thể sao lưu chúng vào máy tính thông qua các phần mềm sao lưu.
Dọn dẹp thẻ nhớ
Ngoài việc lưu trữ các ứng dụng, người dùng còn lưu trữ rất nhiều dữ liệu khác nhau trên thẻ nhớ mở rộng như các tập tin mp3, các tập tin video, hình ảnh… Và việc xóa đi những tập tin đã cũ, không còn sử dụng nữa sẽ góp phần đáng kể trong việc tăng tốc kích hoạt các ứng dụng trên thẻ nhớ của máy. Bởi mỗi khi kích hoạt một ứng dụng hay tập tin trên thẻ nhớ thì hệ điều hành sẽ tiến hành quét trên mọi thư mục và tập tin của thẻ. Nếu có quá nhiều dữ liệu lưu trữ trên thẻ tốc độ truy cập sẽ bị giảm sút đáng kể.
Để xác định ứng dụng nào chiếm nhiều không gian nhất trong thẻ nhớ bạn nên cài đặtDiskUsage. Ứng dụng này sẽ chỉ ra cho bạn thấy những tập tin nào chiếm nhiều khoảng trống nhất, mặc dù bạn sẽ phải cắm điện thoại của bạn vào một máy tính hoặc sử dụng ứng dụng trình duyệt file (như Astro) để xóa những tập tin không cần thiết.
Nếu điện thoại của bạn đã được root, bạn có thể tải ứng dụng SD Maid để tự động xóa những file không dùng tới nữa. SD Maid cũng có thể cho phép bạn đóng băng hay xóa bất cứ phần mềm thừa nào được cài đặt sẵn trên điện thoại.
“Root” điện thoại Android
1 trong những điều hấp dẫn nhất của việc "root" Android là bạn có thể cài đặt các bản ROM khác lên thiết bị. Ice Cream Sandwich chỉ dành cho 1 số thiết bị? Nếu bạn root máy và các hacker tìm được bản ROM hoàn chỉnh thì bạn có thể dễ dàng thưởng thức Android 4.0 trên thiết bị của mình (miễn là đủ yêu cầu phần cứng).
Ngoài ra, root máy có thể giúp điều chỉnh xung nhịp và điện thế cho CPU nhằm tăng tốc độ xử lý hoặc tiết kiệm pin, bổ sung các tính năng mà mặc định trong máy không hỗ trợ (ví dụ cài thêm Beats Audio, xLoud...) hoặc gỡ bỏ hoàn toàn những ứng dụng được nhà sản xuất cài đặt sẵn trên smartphone Android mà bạn chẳng bao giờ dùng tới (bloatware) để tiết kiệm bộ nhớ và cải thiện tốc độ.
Tuy nhiên, root máy cũng sẽ có những rủi ro nhất định. Nếu không cẩn thận bạn sẽ khiến điện thoại của mình không thể sử dụng được nữa. Bạn chỉ nên root máy sau khi đã đọc kỹ và hiểu rõ phương pháp root và đồng thời nắm được cả cách gỡ bỏ root (unroot) để trong trường hợp cần thiết có thể khôi phục lại máy về tình trạng ban đầu.